Trước thời Pháp thuộc Khánh Hòa thời Pháp thuộc

Thời Vương quốc Chăm Pa

Đất Khánh Hòa ngày nay là đất của nước Kauthara, sau đó, nước này bị người Chiêm Thành thôn tính và được sáp nhập vào lãnh thổ Chiêm Thành. Tên Cù Huân cổ nhân dùng để gọi Khánh Hòa có lẽ do chữ Kauthara đọc trại. Tại Nha Trang hiện nay còn một vùng gọi là Hà Ra. Như vậy Kaut của người Chăm ngày xưa chắc đọc na ná như "Cù Huân" hoặc Kaut đọc là "Cù" còn "Huân" là được người Việt thêm sau cho đẹp lời[1].

Vào đầu Công Nguyên, một bộ phận trong bộ tộc Cau, một trong hai bộ tộc lớn của người Chăm Pa thời bấy giờ, đã thành lập nên một tiểu quốc và được đặt tên là Tiểu quốc Nam Chăm, hay còn gọi là Panrãn hay Panduranga (tiếng Chăm Cổ). Tiểu quốc này gồm hai xứ là Panduranga (ngày nay là Phan Rang, Phan Thiết) và Kauthara (tức Khánh Hòa ngày nay). Đối địch với Tiểu quốc Nam Chăm là Tiểu quốc Bắc Chăm ở khu vực thuộc Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay.

Sau đó, trải qua nhiều thế kỷ nội chiến liên miên, vương quốc Chăm Pa được thành lập trên cơ sở sự thống nhất của hai xứ Nam Chăm và Bắc Chăm. Đến thế kỷ thứ 8, dưới sự ra đời của vương triều Panduranga (Hoàn Vương Quốc), vùng Kauthara phát triển đến mức cực thịnh chỉ sau kinh đô với những khu đền tháp to lớn và linh thiêng mà tiêu biểu là ngôi đền thánh Ponagar thờ vị nữ thần mẹ xứ sở Yang Pô Y Na Gar. Từ đó, cho đến thế kỷ 18, mặc dù Vương quốc Chăm Pa chiến tranh, loạn lạc diễn ra liên miên nhưng vùng đất này vẫn phát triển mạnh mẽ và luôn khẳng định được vị thế của mình.

Thời các Chúa Nguyễn (1653-1775)

Trong Đại Nam Nhất Thống Chi[2] có ghi, năm 1653, vua Chăm là Bà Tấm sai quân quấy nhiễu biên cảnh, giết dân Việt ở Phú Yên, thuộc địa phận xứ Đàng Trong của Chúa Hiền, tức Nguyễn Phúc Tần. Chúa sai cai cơ Hùng Lộc đem quân vào chống giữ, nhân đêm tối đốt thành và tiến đánh đến tận sông Phiên Lang (Phan Rang). Thất bại nặng nề, vua Chăm sai con mang thư hàng và xin dâng đất cho Chúa từ vùng Phan Rang trở ra đến Phú Yên. Chúa chấp thuận và đặt dinh Thái Khang chia làm 2 phủ Thái KhangDiên Ninh gồm 5 huyện là Phước Diên, Hoa Châu, Vĩnh Xương, Tân Định và Quảng Phước đều giao cho Hùng Lộc trấn giữ. Từ đó, vùng đất này đã trở thành một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam cho đến ngày nay.

Vào năm 1690, phủ Thái Khang được đổi thành phủ Bình Khang và vào năm 1742, phủ Diên Ninh được đổi thành phủ Diên Khánh.

Thời Tây Sơn

Vào năm 1771, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dấy nghĩa binh đánh Chúa Nguyễn. Chỉ ba năm sau, Chúa Nguyễn phải bỏ Phú Xuân chạy vào Gia Định. Quân Tây Sơn đã kiểm soát vùng đất kéo dài từ Quy Nhơn đến Bình Thuận.

Sau đó, tướng nhà Nguyễn là Tống Phúc Hạp kéo quân ra đánh lấy lại được Dinh Bình Thuận và Phủ Diên Khánh nhưng rồi lại bị Nguyễn Huệ đem quân đánh tan lấy lại được hai vùng trên. Từ đó, trong gần 20 năm, nhân dân Bình Khang, Diên Khánh sống trong cảnh hòa bình và no ấm.

Đến tháng 7 năm 1793, Định Vương Nguyễn Phúc Ánh thân chinh thống lĩnh đại binh thủy, bộ từ Gia Định kéo ra Nha Trang. Từ Nha Trang tấn công lên Diên Khánh. Quân Tây Sơn không cầm cự nổi phải bỏ Diên Khánh và Bình Khang. Sau đó, tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu đem quân vào đánh chiếm vào các năm 1794, 1795 nhưng đều không thành.

Vào năm 1802, Vua Gia Long lên ngôi, Dinh Bình Khang lại được đổi tên thành Trấn Bình Hòa, phủ Bình Khang được đổi thành phủ Bình Hoa. Sau đó, phải đến năm 1831 thì trấn Bình Hòa mới được đổi tên thành Khánh Hòa như ngày nay.

Phong trào Cần Vương (1885-1886)

Năm 1884, triều đình nhà Nguyễn ký kết hiệp ước Patenotre với thực dân Pháp. Hòa ước này đã tạo cơ sở cho việc thiết lập chính quyền đô hộ của Pháp ở Việt Nam và đánh dấu sự suy tàn nặng nề của chế độ phong kiến Việt Nam.

Ngày 13 tháng 7 năm 1885, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân và sĩ phu cả nước chống thực dân Pháp, giúp vua cứu nước.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, vào ngày 14 tháng 12 năm 1885 nghĩa quân Khánh Hòa do Trịnh Phong lãnh đạo cùng với sự hỗ trợ của văn thân Phú Yên do Bùi Đáng chỉ huy đã tiến công và chiếm tỉnh Khánh Hòa. Bộ phận quan lại ở đây nhanh chóng giao thành cho nghĩa quân.

Từ cuối tháng 3 năm 1886, nghĩa quân đã ráo riết hoàn tất các công tác chuẩn bị phòng thủ các đường thủy bộ, chờ đợi các cuộc tấn công trên quy mô lớn của người Pháp.

Đầu năm 1885, quân Pháp đổ bộ lên Nha Trang, nghĩa binh do Trịnh Phong lãnh đạo chặn đánh địch quyết liệt. Mặc dù chiến đấu anh dũng với tinh thần bất khuất, nhưng do hỏa lực địch quá mạnh. Nghĩa quân phải chịu thiệt hại nặng và rút về thành Diên Khánh cố thủ. Nhưng do một số viên quan lại đầu hàng giặc nên việc cố thủ thành thất bại. Các kho thuốc súng đều bị bắn cháy. Nghĩa quân phải bỏ thành theo đường núi ra giữ mặt Bắc cùng Trần Đường.

Mùa thu năm 1886, viên Công sứ Aymonier<-- có tên gì? -->, thiếu tá De Lorme<-- có tên gì? --> cùng tên Trần Bá Lộc dẫn 800 quân viễn chinh Pháp tấn công mật khu kháng chiến. Nghĩa quân đem hết tinh thần và lực lượng ra chiến đấu nhưng chỉ hơn hai tháng phong trào bị thất bại. Các lãnh tụ như Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh đều bị chết. Phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa chấm dứt.